NĂM 2020: SÔI ĐỘNG NGOÀI MONG ĐỢI

Năm 2020 là một năm chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, với tâm điểm là đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động sâu rộng đến nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Thị trường TPCP theo đó cũng đối mặt với những thử thách mới, song nhìn chung đã vượt qua hàn thử biểu “nóng bỏng” này, khép lại năm Covid thứ nhất cùng những kết quả khá ấn tượng.

Trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành thành công một lượng lớn TPCP. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã đặt cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trước áp lực lớn khi chính sách tài khóa được kích hoạt nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, cân đối NSNN tính đến giữa tháng 12/2020 đã thâm hụt khoảng 125 nghìn tỷ đồng, trạng thái hoàn toàn trái ngược so với cùng kỳ năm trước với mức thặng dư lên tới 98 nghìn tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm, con số thâm hụt có thể sẽ lên tới khoảng xấp xỉ 250-300 nghìn tỷ đồng. Điều này vô hình trung đã buộc cỗ máy huy động vốn của KBNN phải gia tăng công suất vận hành để đáp ứng đầy đủ nhu cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, KBNN huy động được tổng cộng khoảng 323 nghìn tỷ đồng và dự kiến con số đến cuối năm sẽ quanh 330 nghìn tỷ đồng, hoàn thành vượt 27% kế hoạch ban đầu và 10% kế hoạch điều chỉnh của năm 2020, bỏ xa con số 198 nghìn tỷ đồng của năm 2019.

Với sự bổ sung mạnh mẽ từ nguồn cung sơ cấp, quy mô thị trường TPCP tiếp tục được mở rộng đáng kể, ước tính đạt 31,5% GDP, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước tới nay. Kỳ hạn phát hành cũng được kéo dài lên khoảng 14 năm, tăng 0,56 năm so với năm 2019, giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cũng như tăng cường tính bền vững của nợ công.

Thách thức thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm “đỉnh nợ” - Ảnh 1.

Previous post Đất Xanh Miền Tây công bố 63 sản phẩm đất nền trung tâm TP Cần Thơ
Next post Doanh nghiệp gạo lãi tăng 2 con số trong năm 2021