Giá cước tàu biển từ Việt Nam liên tục tăng cao từ đầu năm 2021. Đơn cử, giá cước đi Mỹ cuối tháng 7 vừa qua lại phá kỷ lục với gần 20.000 USD/container, trong khi thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức 8.000-9.000 USD/container.

Chia sẻ với chúng tôi về tình hình giá cước cũng như hoạt động tại các cảng hiện nay, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) – cho biết: “Trong 3 tuần vừa qua, vì hạn chế lưu thông bằng đường bộ nên các cảng tại khu vực Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu bị ùn tắc do không giải phóng được hàng khỏi cảng. Riêng về hàng container thì cảng Cát lái cũng bị ùn tắc, một số chuyến tàu phải chờ cầu. Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải tình hình cũng xảy ra tương tự, các cảng phải ưu tiên cầu bến cho tàu Mẹ nên nhiều tàu container loại nhỏ và tàu Feeder phải chờ cầu từ 1 đến 2 ngày“.

Về giá cước vận chuyển container, vị này nhấn mạnh giá trên các tuyến liên lục địa đã, đang và sẽ tiếp tục tăng do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các khu vực, các nền kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng và phải thực hiện phong tỏa, dãn cách xã hội. Vì vậy tình trạng container bị tồn đọng, kéo dài thời gian luân chuyển đã xảy ra từ giữa năm 2020 đến nay, người ta ước tính thời gian luân chuyển bình quân một chu kỳ hay một chuyến của container đã tăng thêm từ 20% đến 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trang thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới. Mà vỏ container và tàu container thì không thể sản xuất trong một thời gian ngắn để bù đắp ngay được.

Thứ hai, sau khi tạm khống chế được dịch từ cuối năm 2020, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu bùng nổ, nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu tăng vọt gây tình trạng ùn tắc ở hầu hết các cảng bờ Tây nước Mỹ và Bắc Âu trong suốt quí 2/2021.

Thứ ba, thực tế đến cuối quý 1/2021 tình trạng ùn tắc vừa được cải thiện thì ngày 23/3/2021 xảy ra vụ tàu của hãng Evergreen mắc cạn gây tắc luồng qua kênh đào Suez. Tai nạn này làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên tuyến Á – Âu, ảnh hưởng đến gần 20% lượng hàng lưu thông của thương mại toàn cầu.

Sau vụ tắc kênh đào được giải quyết lại xảy ra vụ các cảng Nam Trung Quốc (Yantian, Seikou, Hongkong…) phải hạn chế năng suất (đóng một phần cầu cảng) do dịch Covid-19, gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực này trong tháng 5 và 6. Nhiều tàu container phải chờ hoặc hủy chuyến. Đến nay tàu của HAH vẫn còn phải chờ cầu 3 – 5 ngày tại Hongkong.

Cuối cùng, mới đây nhất là tình trạng lũ lụt xảy ra tại Trung Quốc và các nước Bắc Âu cũng lại gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…

Bên cạnh tác động của dịch bệnh, việc liên tục xảy ra các hiểm họa khó lường của thiên nhiên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải container toàn cầu, gây nên mất cân bằng giữa Cung – Cầu và dự đoán sẽ còn kéo dài cho đến khi thế giới khống chế được dịch (giữa 2022). Do vậy dự đoán giá cước vận tải vẫn sẽ ở mức cao đến cuối năm 2022“, ông Sơn nói thêm.

Giá cước thuê tàu container tuần 30/2021 – Alphaliner report 28/7/2021

Chủ tịch Hải An (HAH) Võ Ngọc Sơn: Giá cước vận tải vẫn ở mức cao đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cảng biển có đủ cơ sở tiếp tục duy trì mức lợi nhuận tốt - Ảnh 1.

Previous post Bạc Liêu bất ngờ nổi lên là thị trường bất động sản giàu tiềm năng
Next post Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới?